Sau những tháng ngày hẹn hò, yêu đương ngọt ngào, hai bạn quyết định "về chung một nhà". Tuy nhiên có rất nhiều cặp đôi hoang mang lo lắng không biết cần làm gì, nên bắt đầu từ đâu để có được một đám cưới trọn vẹn và suôn sẻ.
Trong bài viết này, Hội Cô Dâu đã tổng hợp lại những thông tin cần thiết cho các cô dâu chú rể có thể nắm được những công việc để chuẩn bị một đám cưới trọng đại. Chúng tôi tin rằng chỉ cần lên kế hoạch cưới chi tiết ngay từ sớm thì các cặp đôi sẽ không phải lo lắng về ngày cưới của mình nữa, chỉ cần thoải mái trở thành cô dâu chú rể hạnh phúc nhất mà thôi!
Trong thời gian hai bạn hẹn hò yêu đương chắc chắn gia đình hai bên cũng đã tìm hiểu về nhau rồi. Tuy nhiên cưới xin là việc trọng đại, hai gia đình vẫn cần một ngày gặp gỡ để cùng bàn bạc, thống nhất về những nội dung cưới hỏi quan trọng:
- Nhà trai chính thức đặt vấn đề về việc tổ chức đám cưới cho đôi trẻ với nhà gái.
- Thống nhất về hình thức tổ chức đám cưới
- Thống nhất về chọn ngày giờ tổ chức đám cưới
- Thống nhất về sính lễ cưới, số lượng mâm quả ăn hỏi, chi phí, phân công công việc cơ bản.
Sau khi hai bên gia đình bàn bạc và thống nhất những nội dung chính liên quan tới nghi thức cưới hỏi truyền thống, mọi việc chuẩn bị còn lại sẽ do các cặp đôi tự lên kế hoạch và chuẩn bị. Lúc này, cô dâu chú rể cần ngồi lại để cùng tìm hiểu, bàn bạc và quyết định những vấn đề cơ bản liên quan tới lễ cưới bao gồm:
- Ngân sách dành cho việc chuẩn bị cưới hỏi
- Địa điểm tổ chức tiệc cưới (Tại gia hay thuê sảnh cưới, thực đơn tiệc...)
- Dịch vụ tổ chức đám cưới, trang trí gia tiên, trang trí đám cưới, sính lễ ăn hỏi..
- Chụp ảnh cưới, chụp ảnh phóng sự đám hỏi, phóng sự ngày cưới.
- Dịch vụ cho thuê/may áo cưới, vest cưới, trang điểm cô dâu, làm tóc...
- Thiết kế và in thiệp mời cưới (nên làm sau khi đã chốt được danh sách khách mời và chọn được địa điểm tổ chức cưới)
Để hoàn thiện kế hoạch cưới, từ những nội dung cưới cơ bản đã xác định được ở bước 2, bạn cần liệt kê chi tiết các công việc cần cho làm cho mỗi nội dung, cụ thể như sau:
Ví dụ để tìm được địa điểm tổ chức tiệc cưới phù hợp, bạn cần:
- Lên danh sách khách mời, có số lượng cụ thể mới quyết định được không gian tiệc như thế nào
- Khách mời bao gồm những thành phần nào, từ đó quyết định lựa chọn thực đơn tiệc đảm bảo phù hợp nhất với khẩu vị chung
- Tại địa điểm cưới bạn chọn có những dịch vụ đi kèm như thế nào: đồ uống, trang trí, âm thanh, ánh sáng... có đảm bảo tiêu chí mà bạn cần hay không. Nếu không có các dịch vụ đó thì bạn cần bổ sung thêm hạng mục trang trí, âm thanh ánh sáng dành riêng cho sân khấu tiệc cưới...
Tương tự, bạn lên chi tiết những việc cần làm và đưa chúng vào các nội dung chính cần chuẩn bị. Kèm theo đó là ngân sách dự chi cho mỗi hạng mục, hãy cân bằng giữa ngân sách thực tế và những hạng mục cần thiết cho đám cưới. Nên chia ngân sách cưới thành 2 phần: ngân sách cố định và ngân sách dự phòng cho những phát sinh chưa lường trước được. Ngoài ra bạn nên tham khảo kinh nghiệm từ bạn bè, người quen đã cưới để phân chia ngân sách phù hợp cho mỗi hạng mục chuẩn bị.
Đây là kế hoạch cưới bước 1 ở trên mà Hội Cô Dâu đã nêu. Lễ dạm ngõ đơn giản chỉ là buổi gặp mặt giữa hai bên gia đình để bàn về việc cưới hỏi của cặp đôi, thống nhất về ngày giờ và lễ vật của ngày ăn hỏi và ngày cưới. Vì vậy trong buổi lễ này các cặp đôi không cần chuẩn bị gì nhiều: nhà gái sẽ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ để đón nhà trai, nhà trai sẽ chuẩn bị một sính lễ nhỏ tùy phong tục từng vùng miền, thường là trầu cau và bánh kẹo, hoa quả.
Cô dâu có thể tìm hiểu thêm về lễ dạm ngõ tại: Tìm hiểu về Lễ dạm ngõ và nghi thức đầy đủ của lễ dạm ngõ theo phong tục Việt Nam
Lễ ăn hỏi thường sẽ tổ chức bên nhà gái, nên các cô dâu lưu ý chuẩn bị để buổi lễ diễn ra trọn vẹn và suôn sẻ. Thông thường chuẩn bị cho đám hỏi cần được thực hiện trước 1-2 tháng. Trong trường hợp lễ ăn hỏi và lễ cưới cách xa ngày nhau thì các bạn sẽ phải chuẩn bị cho đám hỏi đầy đủ theo các công việc dưới đây:
Công việc chuẩn bị của nhà trai:
– Lên danh sách người tham dự lễ ăn hỏi
– Thống nhất thời gian tới nhà gái
– Thuê xe ô tô
– Tìm hiểu và đặt tráp ăn hỏi
– Tìm người bê tráp
– Chuẩn bị vest hoặc áo dài ăn hỏi chú rể
Công việc chuẩn bị của nhà gái:
– Lên danh sách khách mời đám hỏi
– Đặt thuê phông rạp, bàn ghế, cốc chén cho lễ ăn hỏi
– Chọn hoa tươi trang trí
– Chọn phong cách trang trí bàn thờ gia tiên
– Chuẩn bị tiệc trà cho lễ ăn hỏi (bánh kẹo, hoa quả, trà..)
– Tìm người đỡ tráp
– Thuê áo dài cho đội đỡ tráp
– Chuẩn bị bao lì xì đỏ cho hai đội bê tráp và đỡ tráp
– Thuê người chụp ảnh phóng sự ăn hỏi (có thể nhờ người nhà, bạn bè biết chụp ảnh và có máy ảnh để tiết kiệm chi phí)
– Chuẩn bị áo dài ăn hỏi và trang điểm cô dâu
– Chuẩn bị áo dài ăn hỏi và trang điểm cho mẹ cô dâu (hoặc người nhà tự trang điểm)
– Phân công người đón khách, tiếp trà nước.
– Mâm cơm thân mật (nếu nhà trai ở xa, nên thống nhất trước giữa hai nhà)
Trong trường hợp lễ ăn hỏi trước ngày cưới 1 ngày hoặc kết hợp luôn trong ngày cưới, thì công việc chuẩn bị cho nhà gái sẽ bớt đi một số phần việc liên quan tới trang trí phông rạp và trang trí gia tiên (do hạng mục này trong ngày cưới đã có)
Các cô dâu chú rể cũng nên tìm hiểu trước về nghi thức lễ ăn hỏi truyền thống để chuẩn bị được chu đáo nhất.
Ngày cưới là thời điểm quan trọng nhất trong quá trình cưới hỏi truyền thống, vì vậy mọi sự chuẩn bị cần được lên kế hoạch rõ ràng và sớm nhất có thể, thường bắt đầu chuẩn bị từ thời điểm 6-9 tháng trước ngày cưới và cố gắng hoàn thiện tất cả tới 2 tuần trước khi cưới.
6-9 tháng trước khi cưới:
– Lập ngân sách cần chi tiêu
– Lên danh sách khách mời
– Tìm kiếm địa điểm tổ chức đám cưới (sau khi đã chốt danh sách khách mời)
– Xây dựng và đặt thực đơn tiệc cưới
– Lựa chọn phong cách tổ chức đám cưới dựa trên sở thích và ngân sách cưới
– Chọn studio, địa điểm chụp ảnh và đặt lịch chụp ảnh cưới
– Khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Trong giai đoạn này, nếu tính chất công việc bận rộn và không thể tự lo hết mọi việc trong đám cưới, các cô dâu chú rể có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè hoặc tìm thuê wedding planner.
4 tháng trước ngày cưới:
– Chọn mẫu, thử và đặt thuê váy cưới. Nếu cô dâu chú rể có ý định may áo dài ăn hỏi hoặc váy cưới/vest cưới thì đây là thời điểm phù hợp để lựa chọn mẫu và đặt lịch may đo.
– Thuê/đặt may trang phục cho ba mẹ cô dâu và ba mẹ chú rể.
– Tìm mua phụ kiện cưới: giày cưới, voan, hoa cài đầu, trang sức cưới...
– Chụp ảnh cưới
– Lựa chọn mẫu thiệp mời
– Mua sắm đồ đạc cho phòng tân hôn
– Chọn địa điểm đi nghỉ tuần trăng mật, đặt vé, khách sạn sớm để có giá tốt nhất.
2 tháng trước ngày cưới:
– Chuẩn bị cho lễ ăn hỏi (theo kế hoạch chuẩn bị cho lễ ăn hỏi đã nêu ở trên)
– Lựa chọn chuyên viên trang điểm cô dâu và thử trước phong cách trang điểm cũng như thay đổi kiểu tóc phù hợp cho ngày cưới
– Mua nhẫn cưới
– Viết thiệp cưới
– Hoàn thiện album ảnh cưới, chọn ảnh phóng để trưng bày trong ngày cưới
– Đặt thuê xe hoa, xe đưa đón gia đình ngày cưới
– Thuê thợ chụp ảnh phóng sự đám cưới
– Tiến hành làm lễ ăn hỏi
1 tháng trước ngày cưới
– Gửi thiệp cưới tới khách mời
– Sắp xếp công việc và lịch nghỉ phép với cơ quan, nơi làm việc
– Đặt hoa cưới cầm tay
– Chọn hoa trang trí, đặt bánh cưới và mua các phụ kiện trang trí cần thiết.
– Chuẩn bị hộp đựng tiền mừng và người phụ trách trông coi
– Làm thủ tục đăng ký kết hôn.
– Chuẩn bị tiệc trà, bánh kẹo tiếp khách tại đám cưới.
– Phân công người đón tiếp khách.
– Thử lại váy cưới đã thuê hoặc đã đặt may để kịp thời chỉnh sửa trước ngày cưới
– Tìm phù dâu, phù rể
– Chọn âm nhạc cho tiệc cưới
– Làm việc với wedding planner và MC trong lễ cưới để thống nhất về kế hoạch, kịch bản chi tiết của ngày cưới
– Kiểm tra, thống nhất lại lần cuối cùng với nhà hàng tiệc cưới về số lượng khách, thực đơn, không gian tiệc và trang trí (nếu có)
Cô dâu chú rể hãy nắm vững các nghi thức cần thiết trong lễ cưới truyền thống để đám cưới diễn ra thuận lợi và suôn sẻ.
Kết luận:
Lên kế hoạch chi tiết cho đám cưới là bước quan trọng không thể thiếu, mặc dù để lên được một bản kế hoạch trọn vẹn ngay từ đầu là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, để bản thân được thư giãn, thoải mái và có thể tận hưởng được hết cảm giác hạnh phúc trong ngày trọng đại, hãy lên kế hoạch sớm nhất có thể theo những gợi ý cụ thể mà chúng tôi đã tổng hợp lại bên trên. Với kinh nghiệm điều hành, quản lý một cộng đồng các cô dâu sắp cưới lớn nhất tại Việt Nam, chúng tôi đã tổng hợp lại những thông tin cần thiết cho việc chuẩn bị một đám cưới trọng đại. Hy vọng với bài viết này, Website Hội Cô Dâu đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích trong quá trình lên kế hoạch cưới chi tiết.
Chúc bạn có một đám cưới đẹp như trong mơ!
>> Băn khoăn vì sắp cưới mà công việc của hai bạn quá bận rộn, lo lắng không thể tự chuẩn bị được chu đáo nhất cho đám cưới của mình? Có thể bạn cần Tư vấn lựa chọn: Lên kế hoạch tự chuẩn bị cho đám cưới hay thuê wedding planner?
Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/