Trang tin BĐS hàng đầu Bình Dương

Tìm hiểu các nghi thức cần thiết trong lễ đón dâu truyền thống

20/05/2021 - 15:05

Đã từ lâu, chuyện cưới hỏi luôn được coi là một trong ba việc lớn của cuộc đời mỗi con người  – ” tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Vì vậy, việc cưới hỏi luôn rất được chú trọng trong phong tục tập quán của người Việt Nam. Những thủ tục, lễ nghi trong ngày cưới đã được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Hôm nay Hoicodau sẽ cùng các bạn tìm hiểu trình tự làm lễ đón dâu (lễ rước dâu) theo nghi thức cưới truyền thống của người Việt.

1. Lễ xin dâu

Lễ rước dâu sẽ được bắt đầu bằng việc nhà trai đến nhà gái. Thông thường, hai bên gia đình sẽ thống nhất giờ hoàng đạo từ trước. Nhà trai sẽ bắt đầu lên đường đúng theo thời gian đã thống nhất với nhà gái, vừa được giờ tốt vừa thuận tiện trong khâu tổ chức. Nhà trai sẽ cử ra một người thân trong gia đình, thường là những người có khả năng ăn nói, làm trưởng đoàn sang xin dâu. Một số gia đình nhà trai phải có lễ xin dâu trước lễ đón dâu, còn một số khác lại gộp lễ xin dâu và lễ đón dâu làm một.

Trước khi đến giờ đón dâu chính thức, đại diện nhà trai, thường là mẹ chú rể cùng cô hoặc bác thân thiết sẽ mang cơi trầu đến nhà cô dâu trước để làm lễ xin dâu. Mẹ cô dâu sẽ nhận tráp trầu cau và mang lên thắp hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Đây là nghi lễ truyền thống lâu đời, có ý nghĩa như lời chấp nhận chính thức cho cô dâu về nhà chồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người thường muốn tranh thủ thời gian trong buổi lễ đón dâu nên thường gộp lễ xin dâu và đón dâu vào làm một, mẹ chú rể sẽ không phải đến nhà gái trước nữa.

Nếu hai gia đình thống nhất nhập lễ xin dâu và lễ đón dâu vào làm một thì trước khi đến nhà gái, nhà trai chuẩn bị một cơi trầu để làm thủ tục xin dâu. Khi gộp hai lễ, lễ xin dâu phải diễn ra rất nhanh để lễ đón dâu được tiếp tục.

cac-nghi-thuc-can-thiet-trong-le-don-dau-truyen-thong-4

2. Màn chào hỏi, tuyên bố lý do

– Sau khi lễ xin dâu đã xong, nhà gái cho người mời nhà trai vào nhà, cùng ổn định chỗ ngồi và mời nước các thành viên trong đoàn.

– Đại diện nhà trai sẽ giới thiệu thành phần tham dự lễ đón dâu và trình bày nguyện vọng được đón cô dâu mới về nhà chồng.

– Đại diện nhà gái cũng sẽ có phần phát biểu đáp lại, đồng ý cho nhà trai đón cô dâu.

3. Cô dâu ra mắt gia đình

– Sau khi đại diện hai nhà phát biểu xong, nhà gái cho phép chú rể được lên phòng đón cô dâu xuống chào họ hàng. (Cũng giống như trong lễ ăn hỏi, trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện).

– Chú rể sẽ tặng bó hoa cưới cho cô dâu.

4. Cô dâu chú rể mời nước họ hàng và thắp hương bàn gia tiên nhà gái

– Sau khi chú rể đón cô dâu, hai người sẽ cùng nhau rót nước mời các thành viên của hai nhà.

– Tiếp đến, bố mẹ cô dâu hướng dẫn cô dâu chú rể thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Tại miền Nam, trong đám cưới còn có một phong tục quan trọng không thể thiếu, đó là nhà trai phải mang một đôi nến to (đèn cầy) có hình long phụng để thắp trên bàn thờ nhà gái, còn nhà gái chịu trách nhiệm chuẩn bị chân nến. Các loại chân cắm và nến này đều phải có cùng kích cỡ với nhau.

cac-nghi-thuc-can-thiet-trong-le-don-dau-truyen-thong-1

5. Nhà gái căn dặn cô dâu trước khi về nhà chồng và lễ đón dâu kết thúc

– Mẹ cô dâu sẽ căn dặn con gái một số điều trước khi về nhà chồng và tặng quà hồi môn như kiềng vàng, nhẫn…

– Sau khi thủ tục dặn dò, trao quà đã xong, đại diện nhà trai sẽ phát biểu, xin phép được đón cô dâu về nhà. Một số nơi còn có phong tục khi cô dâu bước ra cửa theo chồng, cô dâu không được ngoái đầu lại nhìn về nhà mẹ.

– Một số thành viên trong gia đình nhà gái cũng sẽ theo đoàn nhà trai đưa cô dâu về nhà mới. Theo tục lệ truyền thống "cha đưa, mẹ đón" bố cô dâu sẽ là người đưa con gái về nhà chồng, mẹ đẻ không đưa dâu.

6. Làm lễ ra mắt cô dâu mới và tiến hành lễ thành hôn tại nhà trai

– Khi về đến nhà chú rể, đại diện nhà trai sẽ giới thiệu các thành viên tham dự lễ thành hôn.

– Đại diện nhà gái cũng giới thiệu thành phần gia đình có mặt trong lễ thành hôn.

– Đại diện nhà trai hướng dẫn cô dâu chú rể thắp hương trên bàn thờ tổ tiên.

– Đại diện nhà trai sẽ tặng quà cưới cho cô dâu chú rể.

– Đại diện nhà trai sẽ đưa cô dâu chú rể và họ hàng nhà gái lên xem phòng tân hôn. Ý nghĩa của việc này là nhà trai sẽ cho nhà gái thấy hoàn cảnh, điều kiện gia đình mới mà cô dâu sẽ gắn bó trọn đời.

Khi đưa cô dâu chú rể lên phòng tân hôn, một số gia đình còn chuẩn bị lễ trải giường tân hôn cho cặp uyên ương mới trước sự chứng kiến của gia đình nhà gái. Nghi lễ trải giường cưới phải do một người phụ nữ trong gia đình họ nhà trai thực hiện, đặc biệt, người này phải có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và phải sinh được cả con gái, con trai. Theo người xưa quan niệm, những người phụ nữ như vậy sẽ đem đến hạnh phúc và con đàn cháu đống cho đôi uyên ương.

Nếu không làm nghi thức này, gia đình nhà trai có thể trải giường, chuẩn bị phòng tân hôn trước khi đi đón dâu. Có quan niệm, khi đón dâu về nhà, mẹ chồng không nên giáp mặt cô dâu mới, để tránh xung khắc sau này.

cac-nghi-thuc-can-thiet-trong-le-don-dau-truyen-thong-2

7. Cô dâu chú rể mời nước hai gia đình, lễ thành hôn kết thúc

– Đôi vợ chồng trẻ sẽ rót nước mời các vị quan khách tham gia lễ thành hôn.

– Nhà gái dặn dò cô dâu về cuộc sống tại nhà chồng sau này.

– Nếu hai gia đình tổ chức tiệc cưới chung tại khách sạn, nhà hàng, sau khi lễ thành hôn kết thúc, cả hai sẽ cùng đến tiệc cưới. Nếu hai nhà tổ chức riêng, nhà gái phát biểu, xin phép ra về và cảm ơn nhà trai đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống của cô dâu mới.

Trên đây Hội Cô Dâu đã tổng hợp trình tự làm lễ đón dâu theo nghi thức truyền thống của người Việt. Mong rằng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

Chúc các bạn có một lễ cưới trọn vẹn!

(Nguồn: Tổng hợp)

Nhận xét-Đánh giá

0 (0%) votes
 

Bài viết liên quan

Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/