Chuẩn bị cho đám cưới là biết bao công việc cần phải làm, từ khi lên ý tưởng, kế hoạch cưới cho đến tìm địa điểm tổ chức, tiệc cưới và lên danh sách khách mời... chắc hẳn sẽ khiến hai bạn đau đầu không ít. Không chỉ thế còn vô vàn những vấn đề xoay quanh chuyện cưới hỏi mà bạn không biết giải quyết sao cho ổn thỏa nhất. Làm thế nào để vượt qua những khó khăn này đây?
Với những "bí kíp" được Hội cô dâu đúc kết từ những chia sẻ của các nàng dâu đã cưới dưới đây, bạn sẽ không quá lo lắng nhiều về những vấn đề gặp phải trong quá trình chuẩn bị cưới nữa. Đảm bảo bạn cùng người ấy sẽ vượt qua thời kỳ "giông bão" này một cách dễ dàng hơn rất nhiều!
Ba mẹ luôn nói với hai bạn rằng: Cứ cưới đi, tiền nong sẽ có gia đình hai bên phụ giúp. Thế nhưng hai bạn cũng đã lên kế hoạch cưới rồi, cũng rục rịch chuẩn bị mọi thứ rồi mà vẫn không thấy ai nhắc gì đến chuyện phân chia và đóng góp vào ngân sách cưới. Lý do có thể là thời điểm này điều kiện kinh tế của gia đình đang khó khăn, và mọi người chưa thể đóng góp được ngay.
Không sao cả, hãy thông cảm bởi tình hình tài chính của tất cả đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bùng phát. Hai bạn hãy cứ ngồi lại và cùng nhau trao đổi thật nghiêm túc về việc tổ chức đám cưới trong hoàn cảnh này.
Vốn dĩ việc tiền nong luôn là vấn đề nhạy cảm, có thể bạn sẽ cảm thấy ngại khi đề cập đến chuyện này với ba mẹ, sợ bị cho rằng mình đang "đòi hỏi". Nếu thực sự gia đình hai bên không thể ngay lập tức giúp đỡ hai bạn về chi phí cưới như đã hứa, bạn hãy sớm trao đổi lại với người bạn đời tương lai của mình về chuyện tổ chức một đám cưới với ngân sách mà hai bạn có thể chuẩn bị được.
Sau khi hai bạn đã bàn bạc và đi đến thống nhất cuối cùng về việc lên kế hoạch cưới với sự phân chia hợp lý các phần chi phí trong ngân sách cưới hiện có, hãy sắp xếp một buổi gặp gỡ với gia đình hai bên để thông báo về kể hoạch cưới cuối cùng của hai bạn. Bao gồm dự định về địa điểm tổ chức đám cưới, số lượng khách mời dự kiến và số lượng bàn tiệc với thực đơn cụ thể, các dịch vụ cưới cần thiết... và tổng ngân sách dự kiến và hiện có của hai bạn.
Lý tưởng nhất cho việc phân chia ngân sách cưới vẫn là quy tắc 1/3: 1/3 đến từ cô dâu chú rể, 2/3 còn lại sẽ chia đều cho gia đình hai bên. Hãy chủ động bàn bạc và trao đổi với nhau về vấn đề ngân sách sẽ giúp tất cả mọi người bớt thời gian suy nghĩ và đắn đo, ngại ngùng.
Nếu cả hai bạn đều không dư dả về tài chính và nhận ra ngân sách hiện tại chỉ đủ để mời một số lượng khách thân thiết nhất định, thì điều này chắc chắn sẽ khiến bạn suy nghĩ đắn đo, phân vân không biết nên mời ai và không mời ai để không làm mất lòng mọi người.
Nếu nhìn nhận một cách kĩ càng và tích cực một chút thì bạn sẽ cảm thấy đây không phải là một vấn đề quá khó giải quyết. Bởi vì đám cưới là của bạn, bạn tổ chức trong phạm vi ngân sách cho phép thì không phải là một điều gì tội lỗi, thế nên bạn không cần phải áy náy nếu như mời người này mà không mời người kia.
Nếu bạn không muốn những người không được mời dự đám cưới sẽ nghĩ khác đi về bạn, thì hãy cứ thẳng thắn bày tỏ thật lòng lý do vì sao bạn chỉ tổ chức một đám cưới với quy mô nhỏ hơn so với bình thường, họ cũng sẽ hiểu và chấp nhận mà thôi.
Còn nếu như bạn gặp khó khăn trong việc chọn lọc danh sách khách mời, hãy tham khảo thêm Bí quyết chọn lọc khách mời tham dự đám cưới
Thật là rắc rối nếu một vị khách mời trong đám cưới của bạn có thói quen uống nhiều và quậy phá khi say xỉn. Bạn lo lắng về tình huống đám cưới của mình bị quậy tung và dẫn tới nhiều hậu quả khó lường? Trong tình huống này, hãy nhờ tới sự trợ giúp từ người thân hoặc bạn bè, đừng ám ảnh về một đám cưới hoàn hảo mà ôm đồm quá nhiều việc.
Bạn hãy sắp xếp chỗ ngồi cho vị khách mời này ngồi cùng bàn với những vị khách nghiêm túc khác, tốt nhất cũng nên "cảnh báo nhỏ" trước với họ về vị khách "bất đắc dĩ", như thế sẽ hạn chế được tình huống các khách mời chuốc rượu quá nhiều tới mức say xỉn. Bên cạnh đó, hãy nhờ người nhà hoặc nhân viên tại nhà hàng tiệc cưới để mắt trông chừng tới họ, chắc hẳn không ai mong muốn những rắc rối sẽ xảy ra trong bữa tiệc và sẽ vui vẻ nhận lời bạn thôi.
Trẻ em trong đám cưới vẫn luôn là những vị khách khiến bất cứ cặp đôi nào cũng đau đầu. Không ít khách mời của bạn như bạn bè, đồng nghiệp và họ hàng đã lập gia đình và có con nhỏ. Đám cưới vui vẻ náo nhiệt thì vui thật đấy, nhưng ồn ào và lộn xộn vì tiếng trẻ em nô đùa la hét hay tệ hơn là khóc ré thì thực sự không thoải mái chút nào.
Nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng vì vấn đề này cũng dễ giải quyết thôi. Thực tế các khách mời đi dự đám cưới cũng không muốn mang con nhỏ theo vì chăm sóc cho chúng cũng không hề đơn giản, trừ khi họ không gửi con được cho ai trông hộ. Khi gửi thiệp mời đám cưới bạn có thể khéo léo hỏi họ có mang theo con nhỏ hay không, để bạn có thể chuẩn bị trước ít đồ chơi hoặc thuê dịch vụ trông trẻ tại địa điểm tổ chức đám cưới từ nhà cung cấp dịch vụ cưới.
Nếu bạn có quá nhiều bạn thân, nhưng phù dâu lại có hạn, và các cô nàng đều mong muốn được góp sức vào đám cưới của bạn thân, phải làm sao để các cô nàng không mếch lòng đây?
Rất đơn giản, bạn hãy nhờ sự hỗ trợ từ các cô bạn ấy trong những công việc cần thiết khác như: Tiếp chuyện khách ở bàn đón khách, trông hộp tiền mừng cưới, phụ giúp cô dâu thay đồ... Còn rất nhiều những vấn đề khác trong ngày cưới bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của các cô bạn này, và các nàng cũng sẽ rất vui vẻ nếu được bạn nhờ giúp đỡ đó.
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các cặp đôi trong quá trình lên kế hoạch chuẩn bị cưới. Hãy theo dõi những tin tức từ Hội cô dâu để cập nhật thêm nhiều xu hướng cưới hỏi mới nhé!
Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/