Trang tin BĐS hàng đầu Bình Dương

Phong tục đám cưới người Nam Định

09/03/2023 - 09:03

Phong tục đám cưới người Nam Định có những điểm tương đồng với các tỉnh miền Bắc. Tuy vậy, nó cũng có những nét độc đáo riêng. Những phong tục riêng trong đám cưới của người Nam Định được người xưa lưu truyền và phổ biến lại cho đến ngày hôm nay. Cũng giống như hầu hết các phong tục cưới của các địa phương khác, nghi lễ cưới xin thời xưa của người Nam Định khá cầu kỳ. Nó chịu ảnh hưởng rất lớn bởi phong tục của chế độ phong kiến Việt Nam, cũng như chịu ảnh hưởng bởi đời sống vật chất của xã hội thời đó.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, phong tục cưới người Nam Định đã có sự thay đổi lớn. Phong cách cưới hướng đến sự hiện đại về lễ nghi lẫn trang phục. Mặc dù vậy, họ vẫn giữ lại được nhiều nét độc đáo riêng mà chỉ có ở đám cưới của người Nam Định. Cùng Hội Cô Dâu tìm hiểu về phong tục cưới hỏi của người dân Nam Định nhé.

Phong tục cưới hỏi của người Nam Định xưa kia

Các nghi lễ cưới xưa trong đám cưới của người Nam Định

Cũng như ở nhiều miền quê khác, người ta thấy ở Nam Định, theo phong tục xưa, để trở thành vợ chồng, đôi trai gái phải trải qua rất nhiều nghi lễ khác nhau:

     – So tuổi;

      – Chạm ngõ (Nạp thái);

      – Ăn hỏi (Vấn danh);

      – Xin dâu (Nạp tệ):

      – Rước dâu (Thân nghinh),

      – Nhập phòng (Hợp cẩn);

      – Lại mặt (Nhị hỷ).

Các tiêu chuẩn kén dâu, chọn rể của người Nam Định xưa

Kén chọn con dâu, con rể mục tiêu là xem xét năng lực sinh đẻ của người con gái, con trai. Đây là quan tâm đầu tiên của gia đình, cha mẹ. Những tiêu chuẩn kén dâu và chọn rể đã được người xưa tổng kết lại qua những câu thơ, những bài ca dao dễ nhớ và lưu truyền trong dân gian:

“Lưng chữ cụ, vú chữ tâm“

“Đàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con“.

“Lấy gái phải chọn dòng”

“Lấy con xem nạ”

“Làm rể nơi nhiều con”

Tiêu chuẩn chọn đám cưới với nhà môn đăng hộ đối

“Môn đăng, hộ đối“ là mối bận tâm về gia cảnh, gia thế, vai vế, thứ bậc của hai bên gia đình, dòng họ có tương xứng không. Không phải ngẫu nhiên mà tục ngữ ca dao  có những câu “nồi nào, vung ấy“, cũng như trong các gia phả của nhiều dòng họ ở Nam Định gặp các câu, các đoạn ghi chép khá tỷ mỷ về gia thế nhà con dâu, nhà con rể – thể hiện  khá tường tận mối quan tâm này.

Quyền lợi vật chất, tinh thần (hay danh giá, sĩ diện) của cô dâu tương lai, của gia đình nhà gái với họ nhà trai, trước cộng đồng thể hiện qua tục Sêu tết; Thách cưới

Tục Sêu Tết trong phong tục cưới hỏi của người Nam Định

Tục Sêu Tết được người con trai thực hiện trước khi cưới. Sêu Tết là việc đi lại, thăm nom, giúp công, giúp của mà chàng trai phải thực hiện với nhà gái sau lễ chạm ngõ. Những ngày nhà gái có giỗ, tết, hay ma chay, cưới xin, chàng trai cũng tuỳ mùa, việc mà có lễ đi “sêu”. Chỉ sau thời gian đi lại sêu tết, không có tai tiếng gì xảy ra thì hai họ bàn đến lễ cưới.

Tục Thách Cưới trong phong tục đám cưới của người Nam Định        

Thách cưới là những yêu cầu về sính lễ cưới do nhà gái đưa ra cho nhà trai chuẩn bị và đáp ứng cho lễ cưới. Sỡ dĩ có tục thách cưới của nhà gái là do phải có thách cưới người con gái mới không bị coi là “ế”, là “cho không”. Thậm chí, thách cưới càng cao, càng cầu kỳ thì càng tỏ ra con gái là có giá. 

Những phong tục đám cưới trong thời phong kiến của người Nam Định

Trong thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn, phong tục đám cưới của người Nam Định có nhiều quy định và tục lệ riêng. Các tục lệ này phần lớn là tuân theo pháp luật của thời đại phong kiến bấy giờ. Trong đó có 3 phong tục được xem trọng nhất là tục nộp cheo, cưới chạy tang và tục ở rể.

Tục nộp cheo hay nạp cheo

Nạp cheo hay là việc các đám cưới phải nạp tiền hay hiện vật cho làng là phong tục liên quan đến quyền lợi (hay khía cạnh hành chính, kinh tế) của làng xã trong hôn nhân. Tiền và hiện vật sẽ được làng xã dùng để tu sửa đường làng, cổng đình hoặc các công trình công cộng trong làng. Việc các điều luật của nhà nước thời Lê, Nguyễn cấm các làng xã lợi dụng tục “cheo” để đòi hỏi, xà xẻo, cũng như các điều hạn chế trong các hương ước cải lương đầu thế kỷ XX, chứng tỏ sự phổ biến, dai dẳng của tục “cheo” cúng việc chính quyền làng xã lạm dụng tập tục này

Pháp luật nhà nước từ thời Lê, Nguyễn, các phong tục, hương ước của các làng xã Nam Định hiện còn, đều cố gắng củng cố, tăng cường chế độ ngoại hôn. Trong những trường hợp vi phạm bị kết tội loạn luân, có nơi bị đuổi ra khỏi cộng đồng làng. 

Phong tục cưới chạy tang của người Nam Định thời phong kiến  

Bên cạnh những đám cưới thông thường, trong những hoàn cảnh cụ thể còn có: Đám cưới chạy tang; Ở rể

Luật nhà nước thời phong kiến cũng như tục lệ của làng xã không cho phép cưới hỏi khi trong nhà phải để tang các bậc thân từ 1 đến 3 năm, vì bị coi là phạm đạo hiếu. Để tránh những trường hợp bị cấm hay bị chê cười như vậy, các đôi trai gái đã trải qua các nghi lễ chỉ còn đợi ngày làm lễ cưới, những cặp đã “đứng tuổi” (nhất là với nữ giới) nếu chờ hết tang sẽ lỡ thì tổ chức cưới chạy tang.

Cưới chạy tang là làm lễ cưới khi bậc thân trong nhà phải để tang từ 1 năm trở lên hấp hối hoặc chết, nhưng chưa nhập quan, chưa làm lễ thành phục. Cưới chạy tang lược bớt các lễ. Sau lễ đón dâu là phát tang. Nhiều làng ở Nam  Định, sau cưới chạy tang, vợ chồng mới cưới không được quan hệ trong vòng 100 ngày.

Tục ở rể trong thời đại phong kiến của người Nam Định xưa

Đối với người Việt, từ lâu khi chế độ cư trú bên nhà chồng đã thống trị, trở thành lẽ thường thì vẫn có những trường hợp sau hôn nhân chú rể đến ở nhà vợ. Trường hợp này xảy ra ở gia đình chỉ có con gái, nhất là chỉ có một con gái, cha mẹ mong muốn có chàng rể có điều kiện (là con thứ trong gia đình có anh em trai) để có thể gánh vác thay công việc của con trai trong nhà gái (chủ yếu là đỡ đần trực tiếp bố mẹ vợ lúc già cả, hương khói thờ cúng).

Tuy nhiên, không phải chàng trai nào cũng chịu đi ở rể. Những trường hợp ở rể thường rơi vào các chàng trai mồ côi cha mẹ, không có họ hàng, nhà nghèo hoặc là con thứ những nhà khó khăn.

Phong tục đám cưới đối với giáo dân ở Nam Định

Đối với Giáo dân –  phần cư dân đông đảo của Nam Định từ hàng mấy trăm năm qua, việc cưới xin là một trong 7 phép cơ bản được coi là bí tích (Thánh tẩy, Thêm sức, Thánh thể, Sám hối, Xức dầu, Truyền chức, Hôn phối).

Bí tích hôn nhân là sự nhìn nhận của Chúa đối với việc chung sống trọn đời của đôi nam nữ đã chịu phép rửa tội. Bất cứ đôi tân hôn nào trước khi đi đến hôn nhân đều phải nhận phép bí tich này.

Tục ăn cỗ lấy phần trong đám cưới của người Nam Định

Tục ăn cỗ lấy phần là gì?

Nếu không phải là người Nam Định thì chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tại sao lúc nào ăn cỗ cưới tại Nam Định đều có chuẩn bị sẵn các bao nylong. Các bao nylong này là để chứa thức ăn còn thừa trên cỗ và đem về nhà. Không chỉ có các gia đình khó khăn, mà cả những gia đình khá giả vẫn có thói quen như vậy mỗi khi ăn cỗ cưới. Theo nghiên cứu thì phong tục này có nguồn góc từ thời xưa, do khó khăn nên người dân mỗi khi đi ăn cỗ đều đem phần thức ăn thừa về để dành cho bữa sau.

Nguồn góc của tục “ăn cỗ lấy phần” trong đám cưới của người Nam Định

Người Nam Định khi đi ăn cỗ cưới thường có câu cửa miệng là “Đi ăn cỗ lấy phần”. Tục lệ này được truyền lại từ thời xa xưa và đã ăn sâu vào văn hóa đi ăn cỗ của người Nam Định từ người già cho đến người trẻ.

Về nguồn góc phong tục này, theo tìm hiểu, người ta cho rằng nó xuất phát từ cuộc sống khó khăn thời xưa của người Nam Định. Vào thời xưa, cuộc sống khó khăn, người dân không đủ lương thực để ăn nên gia đình rơi vào tình trạng bữa đói, bữa no. Với truyền thống luôn nghĩ đến những người thân trong gia đình, vì vậy mỗi khi đi ăn cỗ các bà, các ô đều bớt miếng ăn của mình trên cỗ cưới để dành mang về nhà cho những người thân trong gia đình ăn. Đặc biệt là những gia đình nghèo có con nhỏ. Cỗ cưới được người dân xem là cao lương mỹ vị, nó khác xa với những bữa ăn đạm bạc trong gia đình thời đó. Người mẹ đi ăn cỗ cưới, thì những người con trong gia đình luôn mong ngóng được mẹ mang về những món ăn ngon cho mình. Đây được xem là một phong tục thiêng liêng nói lên lòng thương của những người mẹ dành cho con hoặc tình thương của các cô, các chị dành cho người thân trong gia đình.

Trong thời phong kiến, thời chiến tranh cái đói, cái nghèo luôn là nổi ám ảnh đối với các gia đình thôn quê đông con cái của Nam Định. Sau khi hòa bình được lập lại, bữa ăn thường trong gia đình cũng rất sơ sài với cơm cháo, các loại củ, bát canh nhạt… Chỉ khi đi ăn cỗ thì họ mới có những món ăn phong phú và dinh dưỡng. Vì thế họ lúc nào cũng bớt lại miếng ăn của mình để mang về cho những người trong gia đình cũng có thể ăn được những món ngon.

Tục “ăn cỗ lấy phần” của người Nam Định thời nay

Ngày nay, kinh tế phát triển, đời sống của người dân Nam Định đã khá hơn rất nhiều. Các bữa cơm cũng được phong phú hơn, ngon hơn, dinh dưỡng hơn thời xưa rất nhiều. Mặc dù vậy, người dân khi đi ăn cỗ vẫn giữ phong tục ăn cỗ lấy phần.

Nhiều người dân tại địa phương khác khi đi ăn tiệc cưới không quen với phong tục này và cho rằng đây là một nét xấu của người địa phương. Tuy nhiên, người Nam Định lại không nghĩ như vậy. Họ vẫn tiếp tục thực hiện phong tục này và cho rằng đây là một phong tục thiêng liêng, thể hiện được tình mẫu tử, tình gia đình, lòng thương người của con người Nam Định.

Cho đến hôm nay, tục ăn cỗ lấy phần vẫn còn tồn tại tại nhiều xã làng tại Nam Định. Tuy nhiên, tính phổ biến của phong tục này không còn nhiều như xưa. Vì ngày nay, các cặp nam nữ ở thành thị có xu hướng tổ chức lễ cưới tại các nhà hàng tiệc cưới thay vì tổ chức tại nhà như các vùng miền quê xưa.

Cỗ cưới phổ biến trong đám cưới miền quê của người Nam Định

Mỗi vùng miền thường có những đặc sản và khẩu vị khác nhau. Các đặc sản và khẩu vị này cũng ảnh hưởng đến cách nấu cỗ cưới của vùng đó. Nhưng nói chung nó vẫn là những món ăn gần gũi với cuộc sống của người dân.

Các mâm cỗ cưới miền quê của người Nam Định phổ biến nhất là bao gồm những món: thịt gà, giò, chả, trứng vịt lộn, xôi đỏ. Ngoài ra còn có thêm rau xào, thịt xào, rau sống và bát miến bung, cơm để ăn kèm. Về thức uống thì có bia hoặc rượu trắng cho đàn ông hoặc người già. Nước ngọt thì dành cho phụ nữ và trẻ em. Sau bữa ăn là các món hoa quả quen thuộc để tráng miệng.

Điều đặc biệt nhất trong các cỗ cưới của miền quê Nam Định chính là xấp bao nylong để sẵn ở mỗi bàn để mọi người có thể “Ăn cỗ lấy phần” mang về. Trước đây, khi cuộc sống khó khăn, người ta thường dùng lá dong hoặc lá chuối để gói thức ăn mang về. Sau này người ta thay thế nó bằng túi nylong hoặc hộp xốp lịch sự hơn và sạch sẽ hơn.

Phong tục đám cưới của người Nam Định ngày nay

Cùng với sự phát triển của kinh tế và văn hóa theo thời đại, phong tục đám cưới của người Nam Định ngày nay cũng đã được đơn giản hóa và hiện đại hóa rất nhiều. Nhiều thủ tục thời phong kiến như nộp cheo, sêu tết, ở rể … đã không còn tồn tại nhưng một số phong tục khác vẫn được duy trì như tục thách cưới, chạm ngõ, ăn hỏi.

Ba phong tục quan trọng nhất trong đám cưới của người Nam Định thời nay chính là lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới. Lễ chạm ngõ chính là lễ mà nhà trai sang bên nhà gái thưa chuyện. Đây là lần gặp mặt đầu tiên của người bên nhà trai và bên nhà gái. Tại lễ này, nhà gái sẽ đưa ra danh sách những sính lễ cần thiết để nhà trai chuẩn bị. Tục này gọi là sính lễ thách cưới.

Lễ hỏi và lễ cưới có thể tổ chức chung 1 ngày. Hoặc lễ hỏi được tổ chức trước, lễ cưới tổ chức sau. Nhà trai sẽ mang sính lễ cưới qua bên nhà gái trong lễ hỏi. Nhà gái đồng ý nhận lễ vật thì xem như đã chấp nhận lời dạm ngõ của phía nhà trai. Hai bên sẽ cùng nhau xem ngày lành tháng tốt để chính thức tổ chức đám cưới cho đôi nam nữ.

Lễ cưới của người Nam Định thời này thường được tổ chức tại tư gia với những lễ nhỏ bao gồm đưa rước dâu, lễ gia tiên ra mắt tổ tiên của hai nhà trai gái. Lễ cưới thường được tổ chức vào buổi sáng và kết thúc tầm 11h trưa. Chỉ những người bà con thân thích nhất mới đến dự lễ cưới tại tư gia. Còn những người khác đa phần đều chỉ dự tiệc cưới.

Chiều tối, tiệc cưới sẽ được tổ chức tại các nhà hàng tiệc cưới chuyên nghiệp. Những người bà con, bạn bè, hàng xóm, láng giềng, đồng nghiệp, đối tác … của cả hai nhà sẽ được mời dự tiệc cưới và gặp mặt cô dâu và chú rể tại nhà hàng.

bàn tiệc

Tiệc cưới của người Nam Định ngày nay thường được tổ chức tại nhà hàng tiệc cưới

Khác với những món ăn giản dị của đám cưới vùng nông thôn Nam Định. Tiệc cưới tổ chức tại nhà hàng là những món nổi tiếng và được trang trí, chuẩn bị khá công phu. Trước khi khai tiệc, nhà hàng còn có chương trình làm lễ khai mạc tiệc cưới tại sân khấu với những tiết mục hát múa và MC dẫn chương trình chuyên nghiệp. Với những đám cưới được tổ chức tại nhà hàng thì chi phí cho đám cưới lớn hơn rất nhiều so với tổ chức tiệc cưới tại vùng nông thôn.

ban-du-bi-compressed

Sính lễ cưới của người Nam Định

Trong sính lễ cưới của người Nam Định, trầu cau là lễ vật không thể thiếu. Theo phong tục cưới hỏi của người Nam Định thì họ quan niệm rằng trầu cau đại diện cho tình yêu lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng sắc son. Trầu cau sẽ được nhà trai chuẩn bị và mang sang nhà gái cùng với một số các loại lễ vật khác. Tất cả các sính lễ này sẽ được đặt trong các tráp cưới phủ vải đỏ.

Số lượng sính lễ cưới, người Nam Định thích sử dụng số lẻ. Tùy thuộc vào yêu cầu của bên nhà gái và khả năng của nhà trai mà sính lễ cưới tại Nam Định có thể gồm 5 tráp, 7 tráp hoặc là 9 tráp.

Về chủng loại lễ vật thì phổ biến nhất là các sính lễ cưới sau đây:

    –  Tráp trầu cau

     –  Tráp rượu và thuốc lá

     –  Tráp bánh : gồm có bánh cốm, bánh phu thê được trang trí và xếp đẹp mắt

     –  Tráp chè và mức sen

     –  Tráp xôi gấc

     –  Tráp heo quay

thach-cuoi-compressed

Các sính lễ được đặt trong các tráp cưới phủ vải đỏ

Nhà trai và nhà gái sẽ bàn bạc trước về số lượng tráp cưới và thời gian mang sính lễ sang. Sính lễ sẽ được nhà trai mang sang nhà gái trong lễ ăn hỏi hoặc là trong lễ cưới (nếu lễ ăn hỏi và lễ cưới được tổ chức chung trong một ngày). Nhà trai và nhà gái đều phải chuẩn bị sẵn các nam thanh, nữ tú, những người chưa lập gia đình để trao nhận tráp cưới và sính lễ cưới. Số lượng người trao nhận tráp người sẽ tùy thuộc vào số lượng tráp sính lễ mà hai bên đã bàn bạc trước đó.

Trang phục đám cưới của người Nam Định

Trong lễ cưới được tổ chức tại tư gia, người Nam Định thích mặc trang phục áo dài truyền thống khăn đóng. Ngoài chiếc áo dài truyền thống thì giới trẻ Nam Định hiện nay còn diện những chiếc áo dài được cách tân với các loại hoa văn cổ truyền. Màu sắc chủ đạo là màu đỏ có thêu thêm hình long phượng trên áo.

chup-anh-voi-khach-moi-dam-cuoi-1024x683-compressed

Cô dâu chọn trang phục váy cưới trắng trong đám cưới

Còn trong tiệc cưới, các bạn trẻ Nam Định lại ưu tiên chọn váy cưới Soiree trắng tinh khiết. Chú rể trong trang phục áo Vest đen hoặc trắng theo kiểu phương tây.

Nhận xét-Đánh giá

4 (80%) 25 votes
 

Bài viết liên quan

Giải đáp: Nhẫn cưới đeo tay nào cho đúng ý nghĩa nhất

Nhẫn cưới là biểu tượng của tình yêu và hôn nhân vĩnh cửu, là kỷ vật thiêng liêng mà các cặp vợ chồng trân trọng suốt đời. Tuy nhiên, bạn có biết cô dâu và chú rể nên đeo nhẫn cưới tay nào cho ...

Hướng dẫn cách ghi thiệp cưới “đúng chuẩn” và đầy đủ nhất

Tấm thiệp cưới nhỏ xinh là một phần không thể thiếu trong bất kì một lễ cưới nào. Ngày nay, mặc dù đã có sự xuất hiện của các hình thức thiệp cưới online nhưng thiệp cưới truyền thống vẫn là một ...

[Giải đáp] Đám cưới có kiêng mặc đồ đen không?

Đám cưới là nét đẹp trong văn hóa người Việt. Khi đi đám cưới, chúng ta không chỉ muốn chúc phúc cho cô dâu chú rể, mà còn muốn thể hiện sự tôn trọng và lịch sự với chủ nhân bữa tiệc. Vì vậy, ...

Những điều kiêng kỵ khi mua nhẫn cưới để tránh xui xẻo

Nhẫn cưới là một trong những vật phẩm quan trọng nhất trong đời sống hôn nhân của mỗi cặp đôi. Nó không chỉ là một món trang sức đẹp mắt, mà còn là biểu tượng của tình yêu và sự gắn kết giữa hai người.

Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/