12 điều cần biết khi làm lễ rước dâu sau đây giúp chúng ta hiểu rõ trình tự và nội dung của lễ rước dâu
Lễ rước dâu là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới của người Việt Nam. 12 điều cần biết khi làm lễ rước dâu sau đây giúp chúng ta hiểu rõ trình tự và nội dung của lễ rước dâu. Qua đó giúp ta tổ chức lễ rước dâu một cách trang trọng, đầy đủ và mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc.
Nhà trai đến và nhà gái đón tiếp nhà trai
Đúng theo thời gian đã hẹn, đoàn rước dâu nhà trai sẽ sang và có mặt tại nhà gái. Nhà trai cần thông báo trước cho nhà gái đoàn của mình gồm bao nhiêu người, đi bằng phương tiện gì để nhà gái chuẩn bị đón tiếp chu đáo.
Thường thì trong lễ rước dâu, ngoài xe hoa để đón dâu, đoàn nhà trai còn có thêm từ 2 đến 3 chiếc xe khách để chở họ hàng người thân và sính lễ cưới nữa. Vì thế, nhà gái nên sắp xếp chỗ để nhà trai thuận tiện cho việc đậu xe.
xe hoa rước dâu
Trao nhận sính lễ cưới
Các sính lễ cưới được nhà trai đặt trong các mâm quả được sơn son thếp vàng. Bên trên mỗi mâm quả được phủ thêm khăn đỏ có thêu hình long phụng để thêm phần trang trọng. Nhà trai sẽ chọn ra một đội nam bưng quả với ngoại hình cần đối để bưng các mâm sính lễ cưới này sang nhà gái.
Tương tự, nhà gái cũng đã chọn ra một đội nữ với trang phục giống nhau để nhận các mâm quả sính lễ từ nhà trai mang sang.
trao nhận sính lễ cưới
Đặt sính lễ cưới lên bàn thờ gia tiên
Sính lễ cưới sau khi được trao nhận sẽ được bên nhà gái đặt lên bàn thờ gia tiên. Vì sính lễ thường rất nhiều. Vì thế nhà gái phải chuẩn bị sẵn 1 cái bàn to. Cái bàn này được đặt ngay phía trước bàn thờ gia tiên để đặt các mâm quả sính lễ cưới nhà trai mang sang.
Sính lễ cưới sẽ được đặt trước bàn thờ gia tiên
Đại diện nhà trai trình bày sính lễ
Đại diện bên nhà trai sẽ mở từng mâm quả sính lễ. Vừa mở, đại diện của phía nhà trai vừa trình bày với với bên nhà gái về loại sính lễ và số lượng.
Nhà trai trình lễ
Mời rượu hoặc mời trầu cau
Thời xưa, người Việt có tập tục ăn trầu. Vì thế, trong nghi lễ này, người đại diện bên nhà trai sẽ mời trầu cau người đại diện bên nhà gái. Thời nay, thói quen ăn trầu hầu như không còn nữa. Người ta thay thế mời trầu cau bằng mời rượu.
Người đại diện của nhà trai sẽ lấy bình rượu ra từ một trong các mâm sính lễ cưới. Người này sẽ cầm bình rượu và rót vào ly để mời chủ hôn bên nhà gái hoặc cha mẹ của cô dâu.
Cô dâu ra mắt
Trong toàn bộ quá trình nhà trai đến, cô dâu sẽ ngồi đợi ở bên trong phòng. Cho đến khi nghi lễ ra mắt cô dâu thì cha mẹ cô dâu mới dắt cô dâu đi ra để ra mắt gia đình 2 họ.
Làm lễ gia tiên tại nhà gái
Sau khi cô dâu ra mắt, nhà gái sẽ tiến hành làm lễ gia tiên tại nhà gái. Lễ gia tiên tại nhà gái mang ý nghĩa thông báo đến tổ tiên phía nhà gái là con gái đã lớn và hôm nay sẽ chính thức lấy chồng. Ở một số vùng miền, nhà trai sẽ mang sang nhà gái cặp đèn long phụng. Cặp đèn long phụng này sẽ được thắp lên bàn thời tổ tiên của phía nhà gái trong lễ gia tiên.
Lễ gia tiên
Trao nhẫn cưới và nữ trang
Sau lễ gia tiên, cô dâu và chú rể sẽ trao nhẫn cưới vào đeo cho nhau. Các loại nữ trang như hoa tay, dây chuyền, lắc tay, kiềng vàng … cũng sẽ được mẹ chồng hoặc đại diện bên nhà trai đeo lên cho cô dâu trước sự chứng kiến của bà con hai họ.
Cô dâu nhận quà cưới
Cô dâu và chú rể nhận quà cưới trong lễ rước dâu
Những bà con thân thích của cô dâu cũng sẽ trao quà cho cô dâu. Những người này thường là ông bà, chú bác hoặc là anh chị em của cô dâu. Những quà mừng này đa phần là lì xì hoặc nhẫn vàng, nữ trang.
Nhà gái lại quả
Nhà gái sẽ trả lại mâm quả (thường là còn 1/2) cho nhà trai. Khi xếp mâm quả để trả, nếu là quả có nắp đậy thì lật ngược nắp lên, nếu là quả phủ khăn thì lật 1/2 khăn lên. Phong tục này gọi là nhà gái lại quả
Ngoài ra, cô dâu và chú rể cũng chuẩn bị sẵn những phong lì xì để phát và cảm ơn đội bưng quả đã đến chung vui và giúp đỡ cho đám cưới được diễn ra một cách trang trọng và thuận lợi.
Chú rể rước dâu về nhà trai
Kết thúc nghi lễ ở nhà gái, chú rể sẽ nắm tay cô dâu và cùng nhau đi ra xe hoa để về nhà chồng. Theo phong tục người xưa thì khi đi ra xe hoa, cô dâu không nên quay đầu nhìn lại về phía nhà gái mà nên đi thẳng 1 mạch ra xe hoa.
Đưa nàng về dinh
Xe hoa chỉ chở cô dâu và chú rể. Những người họ hàng, bạn bè có đi đưa rước dâu thì sẽ ngồi ở những chiếc xe khách mà nhà trai đã chuẩn bị sẵn.
Làm lễ tại nhà trai
Khi về đến nhà trai, cô dâu và chú rể sẽ làm lễ gia tiên bên nhà trai. Cũng tương tự như bên nhà gái, họ hàng bên nhà trai sẽ trao quà cưới cho cô dâu và chú rể và thực hiện những nghi lễ đám cưới của phía nhà trai.
Đây là 12 điều cần biết khi thực hiện lễ rước dâu trong hầu hết các lễ cưới theo truyền thống dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Webdamcuoi
Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/