Cuối tháng 4/2021 vừa qua, dịch Covid-19 bất ngờ bùng trở lại với nhiều diễn biến khó lường và nguy hiểm, ảnh hưởng hoàn toàn đến cuộc sống thường ngày của tất cả mọi người, nhất là các cặp đôi sắp cưới. Ai cũng biết cưới xin là việc trọng đại của đời người, để định ra được ngày cưới phù hợp cần phải “chọn ngày lành tháng tốt” và công việc chuẩn bị cho đám cưới đều diễn ra trước vài tháng trời. Vì vậy nếu phải hoãn cưới thì chắc chắn phải do một lý do cực kì đặc biệt nào đó, trong hoàn cảnh này thì lý do chính là "an toàn của bản thân và cộng đồng trước một dịch bệnh nguy hiểm"
Khi rơi vào tình huống phải hoãn cưới, rất nhiều cô dâu đã bày tỏ nỗi buồn vì đám cưới không được diễn ra như dự tính, bên cạnh đó là sự lo lắng vì khoản tiền đặt cọc (thậm chí là toàn bộ chi phí đã thanh toán trước) với các bên: nhà hàng, tiệc cưới và trang trí sẽ bị mất.
Hoicodau.vn xin được chia sẻ bài viết của anh Lê Tiến Phát được đăng tải trên Group Hội cô dâu sắp cưới, trong bài viết anh chia sẻ sự đồng cảm với các cặp đôi bị hoãn cưới, gợi ý cách xử lý sự cố dời lịch cưới và mong muốn các cặp Dâu rể luôn giữ vững tinh thần để cùng nhau an toàn vượt qua mùa dịch:
"Các Dâu Rể đang bị hoãn cưới rất thân mến!
Những ngày qua có lẽ các Dâu Rể khá là căng thẳng và lo lắng đúng ko? Đầu tiên Phát mong cả nhà mình cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé. Bài viết này Phát dành riêng cho các dâu rể bị dời lịch, ban đầu thì Phát chỉ định viết cho Dâu Rể bên mình thôi, nhưng mà thấy cũng khá là phù hợp với các cặp đôi đồng cảnh ngộ khác, bởi lẽ đây chỉ là chia sẻ, hoàn toàn không quảng cáo nên Phát post lên đây để đồng cảm cùng cả nhà mình.
Việc hoãn ngày cưới, mà nhất là các dâu cưới vào 8-9/5 ở TPHCM bị cấm tổ chức sát ngày (chiều ngày 7/5) càng rối và hoang mang hơn. Chúng ta thậm chí còn rất khó thương lượng với nhà hàng vì đã chuẩn bị nguyên vật liệu rồi, khó thương lượng với bên trang trí vì hoa đã mang về rồi… Tất cả chúng ta khi bị hoãn cưới đều thiệt hại ít nhiều về mặt kinh tế. Phát biết các dâu rể đa phần là tự lo chi phí cho ngày cưới của mình. Nhiều dâu rể bên Phát còn tâm sự là phải cà thẻ tín dụng đặt nhà hàng để sau này có tiền mừng rồi trả lại sau. Ngoài những thiệt hại kinh tế đó ra thì có lẽ sự lo lắng, sự hoang mang tinh thần trong một thời gian dài từ khi có những ca đầu tiên, cho đến khi bùng dịch rồi cho đến lúc có lệnh hoãn cũng kéo dài cả tháng chứ không ít. Dâu rể trải qua rồi thì chắc chắn sẽ có cảm giác sự căng thẳng này còn khó chịu và ảnh hưởng sức khỏe hơn cả việc bất ngờ mất 1 khoản tiền đặt cọc các bên. Phát rất hiểu và đồng cảm với các dâu rể mình bởi vì bản thân Phát ngày xưa tổ chức đám cưới cũng bằng việc vay tiền, cà thẻ tín dụng để cọc nhà hàng và lo lắng kéo dài vì những vấn đề gia đình.
Rồi, sau cái phần đồng cảm, đồng điệu, đồng suy nghĩ đó rồi thì giờ Phát mong dâu rể đồng lòng và đồng hành cùng nhau nghe Phát chia sẻ những điều dưới này để cùng nhau vượt qua giai đoạn này nhé:
Với những dâu rể trong giai đoạn này bị dịch bệnh ảnh hưởng đến công việc như là kinh doanh như bán hàng, sản phẩm, dịch vụ do tình hình dịch mà khách hàng giảm sút hoặc bị giảm công việc ở cơ quan, công sở… Đúng là căng thẳng thật nhưng nhìn theo hướng tích cực thì lúc này là lúc chúng ta có nhiều thời gian hơn. Đây chính là thời gian thuận lợi nhất để chúng ta tìm hiểu, học thêm một cái gì đó mới, xem những bộ phim, đọc những cuốn sách, tập gym tại nhà theo video và làm những việc khác mình thích mà đó giờ mình không có thời gian để làm. Có điều đừng có đi du lịch hay đi phượt nhé dâu rể!
Nếu dâu rể nào có cảm giác này “đang thiếu tiền rầu muốn chết, không có tâm trạng làm những việc mình thích” thì để Phát chia sẻ một trải nghiệm này của Phát. Năm 2010 Phát có 1 lần kinh doanh nhỏ mà bị “phá sản” mất hết tiền dành dụm đó giờ và còn nợ. Lúc đó Phát cũng buồn rầu và không muốn làm gì hết. Sau đó thì Phát đi khám sức khỏe và được BS phán là nghi ngờ có bệnh “hiểm nghèo”. Chỉ mới là nghi ngờ thôi đó nha mà tự nhiên lúc đó Phát không còn buồn gì về việc phá sản cả, mà thay vào đó là sự lo sợ cho bệnh của mình. Sau khi Phát làm nhiều xét nghiệm, sinh thiết này nọ các kiểu thì BS kết luận là khỏe mạnh, không có bệnh và còn đẹp trai!!!! Dâu rể hình dung cảm giác lúc đó của Phát nhé, có vẻ như cuộc sống này chả có gì có thể làm Phát buồn cả, Phát xem việc phá sản như một trải nghiệm thôi dù chính xác là lúc đó vẫn chưa nghĩ ra cách xoay tiền trả nợ. Nhưng mình cảm thấy mình lạc quan và mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Thế cho nên Phát rút ra được một điều rằng trong cuộc sống này, mỗi giai đoạn, mỗi ngày chúng ta đều có những biến cố, những điều khiến chúng ta lo lắng, buồn rầu nhưng bên cạnh đó, cũng sẽ có những trải nghiệm, những niềm vui… và quan trọng là chúng ta hiểu và lạc quan đón nhận mọi niềm vui, cũng như nỗi buồn trong cuộc sống và tiếp tục làm những việc mình thích.
Một câu chuyện vui của dâu rể Phát trong mùa dịch mà Phát cũng muốn chia sẻ với các dâu rể cho đỡ căng thẳng nha. Có một cặp dâu rể bên Phát trong đợt giãn cách xã hội lần thứ nhất, cả 2 đều phải tạm dừng công việc. Tuy nhiên họ rất lạc quan, ngày nào cũng tập gym cùng nhau tại nhà và quay clip đăng Facebook. Có khi thì chú rể nấu ăn và cũng quay clip rồi trồng thêm cây, chăm sóc hoa… Phát nghĩ cái mà họ có được chắc chắn là những kỷ niệm khó quên mà sau này nếu xem lại các clip, nhắc lại những kỷ niệm ấy thì cho dù vợ chồng có đang giận nhau hay cãi vã thì cũng sẽ làm hòa nhanh và vui vẻ, hạnh phúc trở lại thôi. Thay vì lo lắng, buồn rầu thì chúng ta hãy làm nhiều điều tích cực hơn cho nhau để biến những biến cố thành những kỷ niệm nhé các dâu rể!
Tinh thần đồng hành cùng nhau trong mùa dịch
Giờ dâu rể mình hãy ngồi lại cùng nhau, làm một cốc café hoặc thức uống yêu thích cho lên tinh thần, sau đó bắt đầu vạch ra chiến lược gọi là “xử lý dời cưới”
Ví dụ, chúng ta list ra các hạng mục sau:
▪Em giải quyết việc nhắc FB cho bạn bè của em, anh nhắn cho bạn bè anh về việc hoãn cưới kèm lời xin lỗi, soạn tin nhắn có trang trí icon buồn buồn cho đẹp nha.
▪Cô Ba, chú Tám hok có dùng Fb em nhắn ba mẹ nói chuyện nhé.
▪Các bên nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ thuê váy hôm bữa OK cho dời lịch nhưng chưa báo chi phí thế nào, giờ mình chia nhau giải quyết từng đơn vị một nhé.
▪Chú Bảy ở Mỹ hôm qua có hỏi thăm, em sẽ than với chú bảy, biết đâu chúng ta có tài trợ
▪Anh đến tháng trả tiền nhà, nhân cơ hội… có dịch, anh năn nỉ chủ nhà giảm tiền…
….
Một số ví dụ bên trên cho Dâu Rể tham khảo nhé.
Chúng ta cứ từ từ xử lý, không có vấn đề gì phải rối lên cả và hãy xem như đây là cơ hội để dâu rể thể hiện tinh thần đồng hành cùng nhau trong suốt cuộc hôn nhân của mình nhé.
Quan trọng nhất là cuối cùng chúng ta sẽ về chung một nhà và cùng nhau chia sẻ buồn vui, cùng nhau xử lý tất cả những vấn đề trong cuộc sống cũng như cùng nhau tận hưởng hạnh phúc nhé các Dâu Rể.
Chúc cả nhà chúng ta nhiều sức khỏe và mạnh mẽ vượt qua mùa dịch!"
Đám cưới là một sự kiện trọng đại của đời người, việc hoãn đám cưới hay tổ chức với quy mô nhỏ đều là việc không ai muốn. Dù không tránh khỏi hụt hẫng và buồn tủi, thế nhưng các cặp đôi đều chưa từng hối hận với quyết định của mình. Bởi trên hết, họ ý thức được trách nhiệm của một công dân đối với cộng đồng, xã hội, sẵn sàng gác lại dự định cá nhân để đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Cả nước đang gồng mình chống dịch, là một công dân, một đoàn viên nên tôi ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trước xã hội, nhất là trong thời điểm này. Đám cưới hoãn rồi, vẫn sẽ lại tổ chức; nhưng trận dịch này mình phải thắng” - (Chia sẻ của chú rể Phan Hoài Nam - Bình Dương)
Và dù có kịp tổ chức hôn lễ hay không, hãy cùng Hoicodau.vn gửi lời chúc hạnh phúc đến các cặp đôi nhé!
(Thông tin bài viết: Lê Tiến Phát - Group Hội cô dâu sắp cưới)
Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/