Trang tin BĐS hàng đầu Bình Dương

Tìm hiểu về nghi thức lễ ăn hỏi theo phong tục cưới hỏi Việt Nam

19/05/2021 - 11:05

Trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt ta, lễ ăn hỏi được xem là một nét đẹp văn hóa và là một trong ba nghi thức quan trọng để tiến tới hôn nhân mà tất cả cô dâu, chú rể đều phải trải qua. Đây được xem là một buổi lễ có ý nghĩa cực kỳ to lớn và cũng là một lời chúc phúc cho đôi uyên ương chung sống bên nhau hạnh phúc, trọn đời.

Để giúp các đôi uyên ương chuẩn bị tốt nhất cho ngày lễ trọng đại này, Hoicodau sẽ chia sẻ các thông tin về lễ ăn hỏi trong phong tục cưới hỏi Việt Nam và giải đáp một số thắc mắc xoay quanh việc tổ chức lễ ăn hỏi. Hãy cùng theo dõi!

1. Lễ ăn hỏi trong phong tục cưới hỏi của người Việt

Lễ ăn hỏi hay "đám hỏi" còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức quan trọng trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt được tổ chức sau lễ dạm ngõ. Đây là thông báo chính thức về việc hứa gả con, chau giữa hai họ và là dấu mốc để đánh dấu chàng trai, cô gái sẽ trở thành vợ chồng sắp cưới của nhau.

Theo phong tục cưới hỏi của người Việt thì lễ ăn hỏi nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái để xin gả con, cháu gái cho chàng trai. Nếu gia đình bên nhà gái chấp thuận thì sau buổi lễ chàng trai đã chính thức được nhận làm rể của nhà gái và đôi trai gái đã được coi là vợ chồng sắp cưới, chỉ còn đợi đến ngày thành hôn để công bố với họ hàng, bạn bè.

nghi-thuc-le-an-hoi-theo-phong-tuc-cuoi-hoi-viet-nam

(Ảnh từ Cô dâu Bùi Hoàng Yến - Hội cô dâu sắp cưới Group)

Thời xưa, lễ ăn hỏi thường được tổ chức trước lễ cưới 1 - 2 năm, nó như một lời đính ước của 2 bên gia đình với nhau. Ngày nay, do công việc bận rộn, khoảng cách địa lý và các phần nghi lễ có phần được giản lược nên việc cưới hỏi gần như được tổ chức liền với nhau, chỉ cách 1 - 2 ngày để thuận tiện cho cả 2 bên gia đình.

Chính vì vậy mà trình tự tổ chức và những lễ vật trong buổi lễ ăn hỏi cần được chuẩn bị một cách đầy đủ, trang trọng để thể hiện sự tôn trọng của họ hàng hai bên với nhau. 

2. Thành phần tham dự lễ ăn hỏi

Trong nghi lễ ăn hỏi cho dù có nhiều thay đổi song vẫn phải tuân thủ một số nguyên tắc theo đúng phong tục truyền thống. Đặc biệt là thành phần tham gia Lễ ăn hỏi được hai gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nhà traiThành phần tham gia lễ ăn hỏi ở nhà trai thường sẽ bao gồm: trưởng đoàn, ông bà, bố mẹ, chú rể, các thành viên trong gia đình, bạn bè chú rể và không thể thiếu đó là các bạn phụ bê tráp. Số lượng các bạn bê cháp có thể là 3, 5, 7, 9,.. tùy theo số lượng tráp mà hai họ đã bàn bạc.

Nhà gáiĐể thể hiện sự tôn trọng với nhà trai thì thành phần bên họ nhà gái cũng sẽ gồm: ông bà, bố mẹ, vị trường đoàn, cô dâu, họ hàng, bạn bè cô dâu và cả những bạn phụ đỡ tráp ăn hỏi theo số lượng tráp mà nhà trai mang đến.

Lưu ý: Tất cả các bạn nam, nữ phụ đỡ tráp đều phải là những chàng trai, cô gái trẻ và chưa lập gia đình.

nghi-thuc-le-an-hoi-theo-phong-tuc-cuoi-hoi-viet-nam-6

(Ảnh từ Cô dâu Nguyễn Nhật Ánh - Hội cô dâu sắp cưới Group)

3. Lễ vật ăn hỏi và ý nghĩa của từng loại

Lễ vật ăn hỏi (tráp ăn hỏi) là một trong những thủ tục không thể thiếu trong những buổi lễ đính hôn để nhà trai thể hiện lòng biết ơn đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Các cụ ngày xưa có câu "Con gái là con người ta", ý là sau khi cô gái lấy chồng nhà trai sẽ được thêm người còn nhà gái thì ngược lại.

Mặt khác, lễ vật cũng là một phần để biểu thị sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai. Theo phong tục cưới hỏi của người Việt, những lễ vật cần có trong lễ ăn hỏi sẽ gồm:

- Trầu cau: Lễ vật đầu tiên và quan trọng nhất. Trong truyền thống cưới hỏi của người Việt, quả cau cùng lá trầu xanh là biểu tượng cho tình yêu sắt son mặn nồng của đôi uyên ương.

- Rượu và thuốc lá: Lễ này tượng trưng cho lòng hiếu thảo, thành kính của cô dâu chú rể đối với ông bà, tổ tiên.

- Hoa quả tươi: Sự ngọt ngào từ lễ vật này như lời chúc phúc cho đôi uyên ương hạnh phúc và con cháu đầy đàn.

- Bánh hỏi: Thường đi đôi với nhau như bánh cốm – bánh phu thê hoặc bánh chưng – bánh giầy. Cặp bánh này được ví như âm dương ngũ hành nhằm thể hiện sự sắt son của cô dâu xứng cùng sự mạnh mẽ của chú rể.

- Trà và mứt sen: Trà là biểu tượng cho lòng kính trọng, hiếu thảo của con cái với tổ tiên. Mứt sen tượng trưng cho cho con cái, chính là kết tinh tình yêu của lứa đôi.

Theo phong tục của người Hà Nội truyền thống còn có lợn sữa quay, còn người miền Nam có thể có một chiếc nhẫn, một dây truyền hoặc bông tai đính hôn. Tuy nhiên, số lượng lễ vật nhất thiết phải là số chẵn nhưng lễ vật phải được xếp trong số lẻ của tráp.

nghi-thuc-le-an-hoi-theo-phong-tuc-cuoi-hoi-viet-nam-1

(Ảnh từ Cô dâu Nguyễn Nhật Ánh - Hội cô dâu sắp cưới Group)

4. Trình tự diễn ra buổi lễ ăn hỏi

Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ.

4.1. Chào hỏi và trao lễ vật giữa hai gia đình

Khi tới giờ đẹp, đoàn ăn hỏi nhà trai sắp xếp đội hình theo thứ bậc trong gia đình, đi đầu là ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và các thành viên liên quan khác. Thông thường, nhà trai sẽ đi xem ngày, giờ đẹp để tổ chức lễ ăn hỏi và thông báo cho nhà gái biết để chuẩn bị đón tiếp.

Theo phong tục từ xa xưa, "đi hơn về kém" có nghĩa nhà trai sẽ bắt đầu khởi hành lúc giờ tốt đã được vài phút và từ nhà gái ra về trước vài phút trong khung giờ tốt đã định. Nếu về kém trong khung giờ xấu sẽ không có ý nghĩa. Vì vậy thời gian cần được xem xét rất kỹ lưỡng để đám cưới của đôi uyên ương được thành công tốt đẹp nhất

Khi tới nhà gái,  sau khi hai gia đình chào hỏi nhau, đoàn bê tráp nam sẽ trao lễ cho đội đỡ tráp nữ để đỡ mâm quả vào nhà. Đội bê tráp nam và đội bê tráp nữ sẽ trao phong bao lì xì, trả duyên cho nhau. Các phong bao này do hai nhà chuẩn bị, số tiền trả duyên nên được hai nhà thống nhất trước.

nghi-thuc-le-an-hoi-theo-phong-tuc-cuoi-hoi-viet-nam-2

(Ảnh từ Cô dâu Nguyễn Nhật Ánh - Hội cô dâu sắp cưới Group)

4.2. Quy trình nói chuyện của hai gia đình

Giới thiệu thành phần tham dự

Sau khi trao tráp, gia đình hai nhà sẽ cùng ngồi uống nước, nói chuyện. Đầu tiên, gia đình nhà gái sẽ giới thiệu các đại diện trong buổi lễ. Để đáp lại, nhà trai cũng giới thiệu các đại diện của gia đình tham dự buổi lễ ăn hỏi. 

Sau đó, vị đại diện nhà trai sẽ đứng lên phát biểu lý do đến để hỏi cưới cô dâu cho chú rể và giới thiệu về các mâm quả (tráp) mà nhà trai mang đến. Đại diện họ nhà gái sẽ đứng lên cảm ơn và chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai. Tiếp theo, cả hai gai đình sẽ cùng nhau trò chuyện, mời nước và bàn bạc về đám cưới cho đôi uyên ương.

Cô dâu, chú rể ra mắt hai gia đình

Sau khi nhận tráp của họ nhà trai, chú rể và cô dâu sẽ cùng nhau đi chào hỏi, rót nước mời các vị đại diện hai họ và bạn bè cô dâu, bạn bè chú rể

Thắp hương trên bàn thờ gia tiên nhà gái

Sau khi cô dâu ra mắt họ nhà trai, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm và lễ đen để mang lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà, tổ tiên. Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể lên thắp hương trên bàn thờ gia tiên nhà gái để chú rể ra mắt ông bà, tổ tiên và cầu mong tổ tiên "phù hộ độ trì" cho mọi công việc được diễn ra suôn sẻ.

nghi-thuc-le-an-hoi-theo-phong-tuc-cuoi-hoi-viet-nam-4

(Ảnh từ Cô dâu Bùi Hoàng Yến - Hội cô dâu sắp cưới Group)

4.3. Nhà gái lại quả cho nhà trai

Sau khi buổi lễ chuẩn bị kết thúc, nhà gái sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai và trả lại các mâm tráp, đây là sự đáp lại chân thành của nhà gái đối với nhà trai. Và kể từ khi đáp lại quả xong thì đôi trai gái đã trở thành vợ chồng sắp cưới và có thể gọi "bố - mẹ" đối với hai bên gia đình.

Khi chia đồ lại quả, tuyệt đối không dùng dao kéo mà phải xe bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn. Khi nhà gái trả lại mâm tráp phải để ngửa nắp lên, tuyệt đối không được đóng nắp lại.

Sau buổi lễ nhà gái có thể mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm thân mật nếu khoảng cách hai gia đình xa. Tuy nhiên việc này thường phải được thống nhất trước để nhà gái có kế hoạch chuẩn bị chu đáo hơn.

5. Ý nghĩa của buổi lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi là nghi thức thể hiện nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của người Việt, là buổi lễ thông báo chính thức về việc hứa gả con cháu giữa hai họ, là giai đoạn xác định mối quan hệ của đôi trai gái. cô gái chính thức trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai.

Bên cạnh đó, lễ ăn hỏi có ý nghĩa thể hiện sự quan tâm và kính trọng công ơn của nhà gái đã nuôi dưỡng con, cháu gái họ trưởng thành. Hơn thế, mâm lễ vật thể hiện sự chu đáo cũng như sự quan tâm của họ nhà trai dành cho cô dâu tương lai.

Vì vậy, lễ ăn hỏi được xem là một buổi lễ có ý nghĩa cực kỳ to lớn và cũng là một lời chúc phúc cho đôi uyên ương chung sống bên nhau hạnh phúc, trọn đời.

nghi-thuc-le-an-hoi-theo-phong-tuc-cuoi-hoi-viet-nam-5

((Ảnh từ Cô dâu Hoàng Thị Thùy Tiên - Hội cô dâu sắp cưới Group)

6. Một số thắc mắc về lễ ăn hỏi

Có gộp chung lễ ăn hỏi với lễ cưới cùng 1 ngày được không?

Nếu khoảng cách giữa nhà trai và nhà gái quá xa và gây khó khăn trong việc di chuyển, hai bạn hoàn toàn có thể gộp chung lễ cưới và lễ hỏi vào chung một ngày. Cách làm này vừa có thể tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được chi phí.

Nhà vừa có tang xong có nên tổ chức lễ ăn hỏi không?

Theo quan niệm ngày xưa, nhà có tang cần phải kiêng kị mọi cuộc vui, kể cả đám hỏi, đám cưới. Nếu là anh em ruột thịt thì phải hoãn lại ít nhất một năm mới tiến hành hỷ sự. Nếu là bố mẹ ruột thì phải đợi đến 3 năm sau. Rất nhiều cặp đôi đã quyết định “cưới chạy tang” khi trong nhà có người ốm sắp mất. Các lễ cưới chạy tang chỉ nên tổ chức nhanh chóng, đơn giản, tránh phô trương, linh đình.

Bưng tráp số chẵn có sao không?

Bưng tráp số chẵn hay số lẻ sẽ tùy thuộc vào từng vùng miền. Miền Bắc thường quan niệm số lẻ sẽ mang lại sự may mắn, vì vậy số tráp sẽ thường là 5, 7, 9, 11. Ngược lại, người miền Nam thường ưa thích các con số chẵn, do đó các con số như 6, 8, 10 là lựa chọn phù hợp.

Có nên làm đám hỏi trong tháng 7 âm lịch?

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 là tháng “cô hồn”, làm lễ hỏi vào thời gian này sẽ không mang lại may mắn cho vợ chồng về sau. Đặc biệt, tháng 7 là tháng mưa ngâu, thời tiết không được thuận lợi để tổ chức lễ tiệc. Chính vì thế, nếu có thể, tốt nhất hai vợ chồng bạn nên tránh tháng 7 âm lịch khi lên kế hoạch làm lễ ăn hỏi.

Kết luận:

Mặc dù lễ ăn hỏi thường diễn ra từ 30 - 1 tiếng đồng hồ nhưng đây được xem là một nghi lễ cực kỳ quan trọng trong phong tục cưới hỏi của người Việt. Vì vậy, để đám hỏi diễn ra suôn sẻ và đẹp lòng hai bên gia đình, cô dâu - chú rể nên dành nhiều thời gian để chuẩn bị thật chu đáo cho buổi lễ ăn hỏi của mình nhé!

 Cảm ơn mọi người đã học hết bài viết mà Hội Cô Dâu chia sẻ bên trên, mong rằng bài viết này có thể giúp được các đôi sắp cưới có thể hiểu rõ về nghĩ lễ ăn hỏi quan trọng và cần thiết thế nào trong đám cưới của người Việt. Chúc hai bạn có một lễ ăn hỏi suôn sẻ và thành công!

Mọi người có thể chia sẻ hoặc thắc mắc vấn đề trên fanpage của Hội Cô Dâu

Nhóm Hội Cô Dâu Review: https://www.facebook.com/groups/hoicodau.review

Nhóm Hội Cô Dâu Sắp Cưới: https://www.facebook.com/groups/HoiCoDauSapCuoi

Nguồn thông tin: Tổng hợp

Nguồn ảnh: Group Hội cô dâu sắp cưới

Nhận xét-Đánh giá

4.11 (82.22%) 9 votes
 

Bài viết liên quan

Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/