Trang tin BĐS hàng đầu Bình Dương

Đội bê tráp trong lễ ăn hỏi truyền thống

09/06/2021 - 15:06

Một trong những phong tục truyền thống trong cưới hỏi của người Việt Nam không thể thiếu được đó chính là phong tục bê tráp. Tại nhiều địa phương, phong tục bê tráp còn có những tên gọi khác như bưng quả, bưng lễ. Bê tráp ăn hỏi là một trong những thủ tục không thể thiếu trong lễ ăn hỏi truyền thống của người Việt Nam. Cùng tìm hiểu những điều cần biết về đội bê tráp ăn hỏi trong phong tục cưới hỏi Việt Nam cùng Hội cô dâu nhé.

1. Đội bê tráp là ai?

Đội bê tráp là những người được chọn ra từ nhà trai và nhà gái với số lượng nhất định để tiến hành nghi lễ trao và nhận tráp trong lễ ăn hỏi. Đội bê tráp nam của nhà trai sẽ tiến hành đem những lễ vật của nhà trai đã chuẩn bị sang bên nhà gái và trao cho đội đỡ tráp nữ của nhà gái.

2. Yêu cầu chung khi chọn đội bê tráp

Đội bê tráp là một thành phần không thể thiếu trong lễ ăn hỏi truyền thống. Vì thế lựa chọn đội hình bê tráp ăn hỏi cũng là một việc quan trọng và cần được chuẩn bị kĩ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

- Đội bê tráp nhà trai là nam, nhà gái là nữ trong độ tuổi thanh niên (nhỏ tuổi hơn hoặc bằng tuổi cô dâu chú rể)

- Có ngoại hình cao ráo ưa nhìn, luôn rạng rỡ. Vì có quan niệm đây là những người đại diện cho cái duyên và bộ mặt của cô dâu chú rể, sau khi trao tráp ăn hỏi sẽ giúp nhà gái tiếp khách, rót nước mời quan khách nên không thể lựa chọn xuề xòa được.

- Đội bê tráp phải là nam nữ thanh niên chưa lập gia đình.

doi-do-trap-trong-le-an-hoi-truyen-thong-2

(Ảnh từ cô dâu Thạch Thảo - Group Hội cô dâu sắp cưới)

3. Nhiệm vụ của đội bê tráp

Trong nghi thức trao tráp của lễ ăn hỏi truyền thống

Vào ngày lễ ăn hỏi, đội bê tráp nhà trai có trách nhiệm mang những lễ vật đã được chuẩn bị sang bên nhà gáiKhi đến nhà gái, nhà trai sẽ sắp xếp đội hình theo thứ tự: ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và cuối cùng là các thành viên liên quan trong gia đình nhà trai.

Sau khi hai bên chào hỏi nhau, dàn bê tráp bên nhà trai sẽ thực hiện nghi lễ trao tráp cho bên đội đỡ tráp của nhà gái. Trong nghi lễ trao tráp này, việc sắp xếp thứ tự của các tráp cũng rất quan trọng, phải theo đúng phong tục truyền thống:

+ Tráp trầu cau: luôn đi đầu tiên trong lễ ăn hỏi, theo tục lệ "Miếng trầu là đầu câu chuyện"

+ Tráp rượu, thuốc

+ Tráp chè

+ Tráp lợn sữa quay (tùy điều kiện từng nhà, có nhà giữ mâm này, có nhà không)

+ Tráp rồng phượng hoặc tráp hoa quả

+ Tráp xôi ăn hỏi

+ Tráp mứt sen: không thể thiếu trong lễ vật ăn hỏi

+ Tráp bánh phu thê, bánh cốm: Tượng trưng cho âm dương hòa hợp, mang đến sự sung túc và hạnh phúc cho đôi trẻ.

Tuy nhiên thứ tự bê tráp cũng có thể được thay đổi linh hoạt theo yêu cầu của nhà gái hoặc của thợ chụp ảnh để có những tấm hình chụp ăn hỏi đẹp nhất.

Đội đỡ tráp bên nhà gái có nhiệm vụ nhận các tráp lễ vật của nhà trai và dâng lên bàn thờ gia tiên. Trong khi trao tráp thì hai đội sẽ trao phong bao lì xì, trả duyên cho nhau. Các phong bao này do hai nhà chuẩn bị và đưa trước cho đội bê tráp. Số tiền trả duyên trong phong bao lì xì nên được hai nhà thống nhất từ trước.

Việc trao lì xì của đội bưng quả được thực hiện một cách thân mật và vui vẻ. Nó như là một lời trao duyên cho nhau của đội bê tráp hai nhà, cũng là một lời chúc phúc tương lai cho các cô gái và các chàng trai bê tráp. Hy vọng họ cũng có một đám cưới và hôn nhân hạnh phúc, thuận lợi.

Trong nghi thức lại quả của bên nhà gái

Sau khi nhà gái đã nhận hết tất cả các lễ vật trong tráp, họ sẽ chia lại một phần lễ vật ăn hỏi cho nhà trai đem về, việc làm này gọi là lại quả. Khi chia lại các lễ vật họ sẽ xé bằng tay chứ không dùng dao hay kéo. Đồ lại quả thường là số chẵn. Khi trả lại các tráp thì nắp tráp để ngửa lên trên chứ không đóng lại.

doi-do-trap-trong-le-an-hoi-truyen-thong-3

(Ảnh từ cô dâu Bùi Hoàng Yến - Group Hội cô dâu sắp cưới)

4. Trang phục của đội bê tráp trong lễ ăn hỏi

Điểm lưu ý khi chọn trang phục cho dàn bê tráp của nhà gái lẫn nhà trai là:

– Chọn trang phục trang trọng, lịch sự hoặc sử dụng trang phục áo dài truyền thống Việt Nam

– Trang phục phải đồng bộ về màu sắc.

– Trang phục phải đồng bộ về kiểu dáng

Với đội nhà trai thì chỉ cần mang trang phục áo sơ mi trắng, thắt chiếc cà vạt trang trọng cùng quần âu chỉnh tề và thêm một đôi giày tây thanh lịch nữa là hoàn hảo. Tuy nhiên, màu sắc của cà vạt, quần âu và giày tây cũng phải đồng bộ để tạo nên hiệu ứng hài hòa. Hoặc đội bê tráp cũng có thể mặc trang phục áo dài truyền thống đồng nhất về kiểu dáng và màu sắc cũng là một gợi ý phù hợp.

Trang phục cho đội bê tráp nhà gái thường phổ biến nhất là áo dài. Con gái luôn cầu kỳ và điệu đà trên nhiều phương diện, vì vậy việc lựa chọn những tà áo dài bưng tráp cũng nên được các cô dâu quan tâm. Một điều cần chú ý là tính đồng bộ trong màu sắc và kiểu dáng của chiếc áo dài dành cho đội bê tráp. Màu sắc và kiểu dáng đồng bộ sẽ làm hình ảnh đội bê tráp thêm phần đẹp hơn.

doi-do-trap-trong-le-an-hoi-truyen-thong-1

(Ảnh từ cô dâu Bùi Hoàng Yến - Group Hội cô dâu sắp cưới)

5. Những điều cần tránh khi thực hiện nghi thức bê tráp trong lễ ăn hỏi

Từ thời xa xưa, người Việt đã có truyền thống cho rằng nếu đám cưới được tổ chức vào ngày tốt thì cô dâu và chú rể sau này mới có cuộc sống hạnh phúc, an lành. Chính vì lý do đó mà ngày nay, khi quyết định làm đám cưới, mọi người hay tìm thầy để chọn ngày lành tháng tốt. Thậm chí người ta còn xem cả thời gian tốt trong ngày để tiến hành lễ rước dâu, lễ gia tiên cũng là vì lí do như vậy. Một số điều kiêng kỵ khi về nghi thức bê tráp và lễ ăn hỏi truyền thống theo người xưa truyền lại như sau:

– Những ngày có sao Cô Thần, Quả Tú, Không Phòng thì tuyệt đối không được tổ chức lễ cưới hỏi. Họ cho rằng nếu tổ chức đám cưới trong những ngày này thì không chỉ cô dâu mà những người tham gia bê tráp sau này sẽ cô quạnh và khó có con.

– Để tránh việc hiếm muộn và hôn nhân không lâu bền thì không nên tổ chức lễ ăn hỏi và cưới vào năm cô dâu đang ở tuổi Kim Lâu.

– Không nên ăn hỏi hoặc cưới vào tháng 7 âm lịch hay còn được gọi là tháng cô hồn, tháng Ngưu Lang – Chức Nữ xa nhau.

– Những người tham gia bê tráp phải là những nam thanh, nữ tú còn độc thân. Tuyệt đối không được chọn những người đã lập gia đình, đã có con hoặc lớn tuổi hơn cô dâu, chú rể.

Trên đây là những chia sẻ của Hội cô dâu về đội bê tráp trong lễ ăn hỏi truyền thống. Tùy theo mỗi vùng miền mà sẽ có lễ ăn hỏi cũng như cách bê tráp và số lượng mâm tráp khác nhau. Nếu bạn có thắc mắc nào khác, hãy tham gia Hội cô dâu sắp cưới để được chia sẻ nhiều hơn những kinh nghiệm quý báu từ các cô dâu khác trong hành trình chuẩn bị cưới nhé!

Nhận xét-Đánh giá

4.1 (81.94%) 31 votes
 

Bài viết liên quan

Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/