Lễ ăn hỏi là một trong ba nghi thức quan trọng nhất trong phong tục cưới hỏi của Việt Nam. Trong đó, tráp ăn hỏi là bộ mặt của lễ ăn hỏi và là nét văn hóa độc đáo với những ý nghĩa cao đẹp được duy trì đến tận ngày nay.
Lễ ăn hỏi là một nghi thức quan trọng trong phong tục cưới hỏi của người dân Việt Nam ta, là sự thông báo chính thức cho quan viên hai họ về việc cưới xin của đôi uyên ương đã được đính ước. Trong ngày này, nhà trai sẽ chuẩn bị cẩn thận rất nhiều lễ vật mang đến nhà gái để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên nhà gái như một sự xin phép trước khi nghi thức rước dâu diễn ở một ngày khác sau đó.
Tráp ăn hỏi là lễ vật do nhà trai chuẩn bị một cách cầu kỳ, công phu đựng trong mâm son thếp vàng để mang tới nhà gái trong ngày lễ ăn hỏi. Tráp đám hỏi không chỉ dừng lại là phần hình thức mà còn thể hiện sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái.
Số lượng tráp ăn hỏi tùy vào phong tục của từng vùng miền và sự thống nhất của hai bên gia đình. Đối với miền Bắc, số lượng tráp là số lẻ và số lễ vật trên một tráp phải là một số chẵn. Cụ thể như tráp cau phải là 100 quả, hay với tráp bánh phải là 100 chiếc. Nhà trai có thể sắp lễ vật ăn hỏi từ 5, 7, 9, 11, 13, 15 tráp,... tùy theo yêu cầu của nhà gái và cân đối với điều kiện kinh tế nhà trai. Người xưa cho rằng, số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, còn số chẵn tượng trưng cho việc có cặp có đôi.
Người miền Nam thường chọn số lượng tráp là số chẵn thông thường là 6, 8 mâm tráp vì theo quan niệm số 6 tượng trưng cho lộc, số 8 là phát, nên được ví là phát tài phát lộc.
Trước ngày lễ ăn hỏi cả bên nhà trai và nhà gái đều phải chuẩn bị một số bạn nam nữ thanh niên chưa chồng, chưa vợ để bê tráp (bưng tráp) và đỡ tráp trong ngày lễ ăn hỏi. Tráp ăn hỏi khi mang đến nhà gái sẽ lần lượt được các cô gái đỡ lễ và cùng bưng vào trong nhà. Sau khi hoàn tất thủ tục ăn hỏi nhà gái lấy mỗi thứ một ít để cho nhà trai mang về và được gọi là lại tráp.
Số lễ vật còn lại nhà gái sẽ tiến hành chia ra thành các gói nhỏ mỗi thứ một ít rồi đem làm quà cho bạn bè, họ hàng, người thân để thông báo với mọi người về đám cưới sắp tới.
Phong tục ăn hỏi đã được truyền lại từ đời cha ông ta mà cũng không ai rõ ràng là ra đời từ bao giờ, đi kèm với đó là ý nghĩa của tráp ăn hỏi cũng là được ông cha ta đúc kết từ ngàn đời nay:
- Ý nghĩa đầu tiên của tráp ăn hỏi là cầu nối để nhà trai sang thưa chuyện, xin cưới với bên nhà gái.
- Mâm lễ đầy đủ, sang trọng thể hiện sự chu đáo, thành ý, sự tôn trọng, biết ơn của nhà trai đối với nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con gái để trở thành con dâu tương lai của họ. Từ đó chính là tấm lòng, sự yêu thương, trân trọng dành cho người con dâu tương lai, người vợ của bên nhà trai.
- Là vật phẩm dâng lên tổ tiên bên nhà gái, xin sự chứng giám, phù hộ cho hạnh phúc của con cháu, là sự dâng báo với tổ tiên về sự kiện trọng đại của gia đình.
- Lễ vật trong đám hỏi đều mang ý niệm về hạnh phúc, sự đủ đầy, phát triển đi lên.
Trong văn hoá người Việt, "miếng trầu là đầu câu chuyện", đặc biệt trong ngày trọng đại trầu cau là để các cụ vừa ăn vừa trao đổi, nói chuyện, sắp xếp công việc cho hai gia đình, gợi ra một mối qua hệ son sắt bền lâu nặng nghĩa tình trọn đời bên nhau. Cũng là lời chúc phúc tốt đẹp dành cho các cặp uyên ương.
Để làm một lễ tráp trầu cau, người ta luôn chọn những quả cau tròn trịa mang ý nghĩa đủ đầy và những lá trầu tươi đẹp nhất. Mỗi quả cau lại được dán chữ hỷ, đặt lên mâm lễ đỏ và trang trí nơ đỏ mang đến may mắn cho cuộc sống hôn nhân sắp tới của cặp đôi.
Mâm trái cây trong lễ ăn hỏi với ngụ ý cho tình yêu và cuộc sống hôn nhân của đôi uyên ương luôn ngọt ngào và tươi mới. Đồng thời hoa quả còn tượng trưng cho việc đơm hoa kết trái như lời cầu nguyện về tương lai con đàn cháu đống sung túc.
Đây là hai loại bánh truyền thống của Việt Nam được làm từ gạo nếp, cốm và nhân đỗ xanh, có tính dẻo, có vị ngọt ngào như tình cảm vợ chồng gắn bó keo sơn không thể tách rời, mang lại sự ngọt ngào viên mãn trong chuyện tình yêu.
Bên cạnh miếng trầu thì chén nước chè nóng cũng giúp đưa đẩy câu chuyện thêm phần gần gũi, thân thiết hơn. Tráp chè biểu tượng của sự kết giao giữa hai gia đình và cũng là lời báo cáo đến tổ tiên về ngày vui của cặp đôi.
Rượu và thuốc lá là hai lễ vật thường thấy trong phong tục thờ cúng tổ tiên. Tráp rượu, thuốc lá tượng trưng cho lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên và nhằm mục đích là dâng lên tổ tiên để minh chứng cho ngày hạnh phúc của hai bạn được suôn sẻ.
Xôi gấc có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn và đỗ có màu vàng tượng trưng cho sự no đủ, ấm cúng theo thuyết màu sắc của người phương Đông. Tráp xôi bày tỏ sự kính trọng, lời cảm ơn đến tổ tiên đã gây dựng, độ trì để cuộc sống no đủ hạnh phúc.
Ngoài tráp cơ bản ra, các gia đình ngày nay cũng thường sử dụng các loại tráp rồng phượng cho long trọng và đẹp mắt, rất lịch sự, thể hiện thành ý đối với họ nhà gái. Không những thế, rồng phượng còn là linh vật với ý nghĩa may mắn, tài lộc và đoàn viên.
Cho đến ngày nay, dù văn hóa cưới hỏi có nhiều sự biến tấu nhưng ý nghĩa của tráp ăn hỏi vẫn là một truyền thống tốt đẹp được người Việt lưu giữ và truyền lại cho đời sau.
Bạn có thể tham gia cộng đồng cưới hỏi của chúng tôi để được chia sẻ kinh nghiệm từ các cô dâu đã cưới tại: https://www.facebook.com/groups/hoicodausapcuoi.vietnam
Nhận review chân thực và chia sẻ trải nghiệm của chính mình tại: https://www.facebook.com/groups/hoicodau.review
(Nguồn: Tổng hợp)
Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Công Ty Cổ Phần ADCorp https://adcorp.vn/